Trên
đồi Pọm Páng (Quan Hóa, Thanh Hóa) có chi chít mộ cổ, phía trên là
những phiến đá chôn theo hình ô van, chữ nhật, hoặc elip. Xung quanh khu
mộ này, cư dân địa phương vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện rợn người.
Đồng
bào Thái ở bản Co Me, hay còn gọi là Cây Me theo tiếng Thái (xã Trung
Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) gọi đồi Pọm Páng là đồi ma. Nằm lọt thỏm
giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, đồi ma cách TP Thanh Hóa chừng 200
km. Để đến được đây, du khách phải men theo quốc lộ 6 tới ngã ba Tòng
Đậu, đi sang đường 15A theo tả ngạn sông Mã và phải mất gần ngày trời
băng qua vô vàn đèo dốc, những khúc cua tay áo sâu hun hút.
Những cụ già cao niên
trong bản Co Me kể lại, xưa kia trên đồi ma, những khúc xương người nằm
vương vãi, lăn lốc giữa gai góc và cỏ dại. Nhiều cụ già tin rằng đó là
xương cốt của những kẻ liều mạng dám bước qua lời nguyền truyền kiếp để
vào rừng tìm vàng bạc châu báu. Không ai dám bén mảng tới đây, trừ tụi
trộm mộ vãng lai băng rừng từ hướng Mường Lát, Lai Châu, Hòa Bình qua.
Rót ly nước lá rừng mời
khách trong ngôi nhà sàn truyền thống, Trưởng bản Co Me Phạm Bá Thược
cho biết, ở bản có khu mộ cổ kỳ lạ mà theo đồn đại của người dân là mộ
của những người xa xưa “may mắn” chỉ bị hổ tát tai. Người Thái địa
phương tin rằng, khi “chúa sơn lâm” vồ người, nếu tay hổ chạm vào tai
thì nó sẽ bỏ xác lại mà không thèm ăn thịt… Sau đó, người ta thường chôn
kẻ xấu số trong rừng sâu, bên trên phải đặt những phiến đá lớn kè chặt
để tránh bị loài thú khác đào bới. Nếu chẳng may bị thú dữ moi thấy xác,
hồn phách người đó sẽ không thể siêu thoát mà cứ lởn vởn quanh làng, ám
hại người dân.
Hết tuần trà, anh Thược
dẫn khách đi tìm già làng Phạm Bá Tình, người đầu tiên dám đặt chân đến
đồi ma và cũng là người hiểu rõ cấu trúc của khu mộ đá. Từ bản Co Me,
già làng Tình đưa khách lên thuyền vượt thượng nguồn sông Luồng. Thuyền
đi chừng 30 phút là tới đồi Pọm Páng. Nằm trên sườn đồi, phía dưới những
tán cây cổ thụ là một quần thể hàng trăm ngôi mộ. Nhiều mộ cổ ở đây dài
tới 5-7 m. Một số khác ngắn hơn cũng độ 3-4 m. Xung quanh các ngôi mộ
đều được chôn nhiều phiến đá lớn theo hướng dựng đứng. Các phiến đá được
chôn theo hình ô van, hoặc chữ nhật, hay hình elip. Nhiều phiến đã bị
xô nghiêng, không rõ do tác động của bàn tay con người, hay thời gian...
Nằm ở vị trí trung tâm là
ngôi mộ được cho là mộ tổ của người Thái cổ ở Co Me. Phía trên mộ này
có phiến đá to cỡ chiếc chiếu một, cao đến quá đầu người, rộng hơn một
m, dày khoảng 10-20 cm, bề mặt đã bị phong hóa nặng tạo nên lớp mùn
mỏng, không còn nhìn rõ những nét chữ Hán khắc trên đó. Già làng Phạm Bá
Tình khẳng định đó là mộ của ông Tiều, ông Tổ vùng đất này.
Theo những người cao
niên, bản Chiềng (đối diện với Co Me qua sông Luồng) được lập do công
một vị thủ lĩnh người Thái. Vì không ai biết rõ tên, họ của ông nên dân
gian quen gọi một cách kính cẩn là ông Tiều (ông Cả, ông Trưởng). Mấy
trăm năm về trước, ông Tiều dẫn đoàn thuyền lớn chất đầy gạo, muối, cung
nỏ, đạn dược ngược dòng sông Luồng đến khúc sông này. Thấy thế đất đẹp,
ông bèn dừng thuyền lập bản, đặt tên là bản Chiềng (bản Trung tâm). Gần
đây, khi dân bản Chiềng đã đông đúc, người ta qua sông lập thêm bản Co
Me. Người bản Chiềng, bản Co Me bây giờ chính là hậu duệ nhiều đời của
ông Tiều.
Có điều đặc biệt là theo
cụ Tình, trong vùng không hề có loại đá dùng để táng quanh khu mộ này.
Và cho đến tận bây giờ, người dân địa phương vẫn chưa thể lý giải khu mộ
có từ bao giờ, đá này được vận chuyển từ đâu tới? Làm cách nào mà người
xưa với những phương tiện thô sơ có thể ghè đẽo được những tấm đá lớn
nặng hàng tấn như vậy?
Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn,
Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa cho biết, sau khi khu
mộ đá ở bản Co Me được phát hiện, ngành chức năng đã có văn bản yêu cầu
chính quyền địa phương kiểm tra thực trạng để có biện pháp bảo tồn.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ mời các nhà nghiên cứu ở Viện khảo cổ học
Viện Nam về kiểm tra, đánh giá để giải mã những bí ẩn về khu mộ đá cổ
này”, ông Tuấn nói.