SlideShow

0

Lời Nguyền Miếu Xa Vùn - Lạng Sơn



Miếu Xa Vùn nằm ở thôn Khưa Cả, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ngôi miếu này rất lạ: Ai "vi phạm luật miếu" đều bị điên. Để tránh họa, cứ ba năm một lần, người dân lại phải tổ chức lễ hội hóa trang vẽ mặt người giống mặt quỷ và cúng tế để dân bản được yên lành.

Miếu Xa Vùn theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là núi củi. Người dân sống quanh khu vực miếu Xa Vùn ngày nay còn rất nhiều người nhớ được sự ra đời của ngôi miếu thần bí này.

Chuyện kể rằng: Xưa kia có 12 tên giặc không biết từ đâu kéo về đây quấy nhiễu, cướp bóc dân lành. Trước sự cướp bóc, phá phách của bọn chúng dân làng đã bày mưu giết 12 tên giặc cướp rồi bỏ xác chúng vào bì và vứt xuống dòng suối. Xác 12 tên giặc trôi từ Khau Dạ Háy đến ngã ba Phai Lý xã Trấn Yên ngày nay thì bị mắc phải đá và được người dân chôn luôn tại đó.

Một thời gian sau trong làng xuất hiện nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán mất mùa xảy ra liên miên. Tại chỗ bọn giặc bị đánh chết xuất hiện một tổ ong chúa lớn, hễ người và gia súc đi qua thì bị ong đốt đến chết. Vì thế, người dân đã lập lên một cái miếu thờ 12 tên giặc này để chúng không làm hại đến dân lành.
Bị điên vì bắt rắn của miếu mang bán

Khi đến xã Trấn Yên hỏi miếu Xa Vùn, ai nấy đều lắc đầu nguầy nguậy, họ nói rằng, đó là ngôi miếu cực thiêng, nên không ai muốn bén mảng đến.

Ông Hoàng Văn Dư, thổ nhang miếu Xa Vùn kể lại: Miếu Xa Vùn có từ thời gian nào đến nay không ai rõ. Chỉ biết từng lớp người này đến lớp người khác ở Trấn Yên thay nhau cúng tế miếu Xa Vùn. Những lớp người đi trước kể lại, tục hóa trang người thành quỉ có cùng thời gian với việc xuất hiện miếu Xa Vùn. Tục này cứ đúng 3 năm lại tổ chức một lần vào ngày rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 năm tục này đã thất truyền. Nhưng trước những sự việc về nhiều người bị điên khi "phạm luật miếu" nên người dân đã tái tổ chức lễ hội Ná Nhèm. Điều này cũng nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan chức năng của địa phương.


Ông Hoàng Văn Dần ở thôn Khưa Cả là người cả gan nhất làng cũng chỉ dám dẫn chúng tôi đi loanh quanh ngôi miếu chứ tiệt không vào bên trong. Ông bảo: Nếu mình vào mà không có lễ thì chắc chắn về sẽ bị hóa điên hóa rồ mà chết. Không phải ngẫu nhiên mà người dân trở nên mê tín như vậy. Họ dựa vào những sự việc có thật xảy ra một cách ngẫu nhiên liên quan đến miếu Xa Vùn.

Điển hình như cuối năm 2011, anh Hoàng Văn Thuận ở thôn Khưa Cả đến miếu Xa Vùn bắt rắn. Anh Thuận bắt được một con rắn nặng đến 2kg cổ có cườm đỏ, đuôi đỏ. Rắn rất hiền thấy người không cắn. Anh Thuận liền bắt đem đi bán được 2,2 triệu đồng.

Sau đó hai ngày, anh Thuận tiếp tục đến miếu Xa Vùn tìm rắn, anh lại bắt được một con nữa nặng gần 1kg, lần này anh đem đi bán được trên 800.000đ.

Sau khi bắt hai con rắn lạ ở miếu Xa Vùn đem bán, anh Thuận bỗng nhiên phát điên. Anh cứ đờ đẫn, la hú ngay cả trong đêm. Thậm chí ban đêm còn hò hú cởi quần áo lao ra miếu Xa Vùn, người nhà ngăn không được. Không dừng lại ở đó, hồi giáp tết, anh Thuận còn vác dao chém vợ nhưng không chết.

Sự việc anh Thuận khiến gia đình rất hoang mang. Đầu tháng Giêng, gia đình đưa anh Thuận đi xuống Hà Nội khám bệnh, thế nhưng bác sĩ tiêm loại thuốc nào cũng không đỡ, thậm chí anh Thuận còn có biểu hiện nặng thêm. Gia đình lại đưa anh Thuận về nhà rồi mổ bốn con lợn đem là miếu Xa Vùn để cúng. Sau lần ấy bệnh tình của anh Thuận đỡ rõ rệt.

Ngoài trường hợp của anh Thuận còn một trường hợp khác là bà Tài Mến xảy ra vào đầu tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán. Nhà bà Mến có một mảnh ruộng ngay cạnh miếu Xa Vùn. Theo tục lệ địa phương, người dân không được đi làm ruộng vào những ngày rằm ở quanh miếu. Thế nhưng hôm đó, bà Mến nhớ nhầm lịch nên đi phát bờ ruộng trúng ngày rằm.

Sau lần đó, bà Tài Mến về hóa điên, bà buông tóc rũ rượi đến ngang lưng lững thững chạy ra miếu Xa Vùn. Liên tiếp 15 ngày sau đó, bà Mến bỏ ăn, người gầy tóp chỉ còn da bọc xương, hai má hốc hác như cái đầu lâu, bao nhiêu gân guốc xương xẩu đều nổi lên sau làn da teo tóp.

Ông Hoàng Văn Dần sống gần nhà bà Mến cho biết: Có hôm bà ấy lên cơn điên chửi bới rồi đi lung tung hết chỗ này đến chỗ khác. Thấy vậy, những nhà xung quanh cùng họ hàng huy động đến bốn năm người thanh niên trai trẻ đến để bắt bà ấy về. Nhưng không ai ngờ cái "bộ xương di động" đó lại có sức mạnh mãnh liệt. Bà Mến một tay quật lại bốn thanh niên bản trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm người dân xã Trấn Yên.

Mặc dù đó chỉ là những trường hợp xảy ra một cách ngẫu nhiên ở miếu Xa Vùn, nhưng nhiều người mê tín đã thêu dệt lên và truyền tai nhau khiến tiếng tăm của miếu Xa Vùn lan ra khắp vùng Lạng Sơn.

Theo lời của nhiều bậc lão niên trong bản Khưa Cả thì tục bôi nhọ, hay hóa trang người thành những con quỉ xuất hiện cùng với huyền tích về 12 tên giặc.

Chuyện kể rằng, 12 tên giặc đã cướp bóc làm hại dân lành, sự hung ác của chúng là nỗi ám ảnh từ đời này qua đời khác đối với người dân. Vì thế, người dân tin rằng khi 12 tên giặc đó chết đi thì linh hồn của chúng cũng biến thành quỉ dữ.

Để chống lại chúng, người dân đã tổ chức một lễ cúng có tên gọi là Ná Nhèm. Trong lễ cúng này, người dân sẽ bôi nhọ nồi lên mặt, đeo mặt nạ... hóa trang thành những hình hài trông dữ tợn với đủ các kiểu dáng khác nhau.

Theo lời nhiều người cao tuổi, người dân phải làm như vậy để quỷ không phân biệt được đâu là người thật, đâu là muông thú cho nên chúng sẽ không làm hại đến dân lành. Đồng thời, trong lễ hội người dân phải mổ lợn, mổ gà để cúng tế 12 con quỷ, khi ăn no rồi chúng sẽ không ra khỏi miếu, vì thế dân làng không sợ chúng bắt ăn thịt nữa.

Lý giải về phong tục vẽ mặt người giống quỷ, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, Khoa Văn hóa Phát triển, Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho biết: Tập tục hóa trang xuất hiện từ thời kỳ Văn Lang và phổ biến ở một số dân tộc ít người. Người dân quan niệm rằng, với việc hóa trang sẽ giúp họ đuổi được tà ma, quỷ dữ và đánh lừa thần linh, muông thú... Tập tục này xuất hiện ở khá nhiều nơi trên thế giới, đặc bệt là vùng Amazon, châu Mỹ...

Ở Việt Nam, tập tục này chỉ có ở một bộ phận người Tày, Mông đen và người Dao. Khi nghiên cứu tập tục này, nhiều nhà nghiên cứu đã đào sâu vào những góc độ khác nhau như tính biểu tượng, hay ý nghĩa của những hoa văn trong trang phục hóa trang... Chẳng hạn khi người dân lấy hình mặt trời che lên mặt khi hóa trang thì dẫn người ta đi đến suy luận về một tín ngưỡng rất cổ xưa về việc thờ thần mặt trời.