SlideShow

0

Lời Nguyền Sọ Pha Lê



Hàng chục sọ người bằng pha lê được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới trong thế kỷ 20, khiến giới khoa học và nghiên cứu lịch sử hết sức đau đầu trong việc lý giải những bí ẩn liên quan đến chúng. Những chiếc sọ này không thể tạo ra theo kỹ thuật thông thường. 


Chiếc sọ đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy vào năm 1927 tại Trung Mỹ, trong chuyến khảo sát của nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh F. Albert Mitchell-Hedges về một thành phố cổ của người Maya. Những công trình bí ẩn cổ xưa này bị che phủ hoàn toàn trong một diện tích 33 ha rừng rậm. Ở đó có những kim tự tháp đổ nát bằng đá, những bức tường nhà ở sát nhau và cuối cùng là một hý trường rộng lớn có thể chứa hàng nghìn khán giả. Mitchell-Hedges đã đặt tên cho thành phố của những công trình đá sụp đổ này là Lubaantun.

 

Ba năm sau, Mitchell-Hedges cho con gái mình là Anna cùng đi trong chuyến khảo sát tiếp theo tại đây. Vào một ngày tháng 4/1927, cô gái 17 tuổi này tình cờ phát hiện thấy một vật kỳ lạ nằm dưới đống đổ nát của một bàn thờ cổ xưa. Đó là một chiếc sọ người làm bằng thạch anh (một dạng pha lê trong suốt), được đánh bóng hoàn hảo và có kích thước y như thật. Khi được phát hiện, chiếc sọ bị thiếu mất xương hàm dưới. Nhưng chỉ 3 tháng sau, người ta đã tìm ra được phần xương này chỉ cách đó vài chục mét. Phần xương gắn rất khít với hộp sọ qua những bản lề hoàn hảo và có thể cử động mỗi khi có người chạm nhẹ vào.

Từ thời điểm này, những câu chuyện lạ lùng bắt đầu xảy ra với những người tiếp xúc với chiếc sọ, mà đầu tiên là Anna. Cứ mỗi lần đặt chiếc sọ bên cạnh giường ngủ, Anna lại gặp những giấc mơ khá kỳ lạ. Thức dậy, cô có thể kể lại chi tiết mọi điều đã nhìn thấy trong mộng, chủ yếu liên quan đến cuộc sống của người da đỏ từ nghìn năm trước.

Ban đầu, Anna chưa chú ý đến sự liên quan giữa hộp sọ và những giấc mơ. Nhưng chúng vẫn liên tục đến với cô khi cô đặt chiếc sọ pha lê ngay cạnh giường ngủ - mỗi lần đều có những chi tiết mới về cuộc sống xa xưa của người da đỏ, trong đó có những điều mà các nhà khoa học chưa từng biết trước đây. Đêm nào chiếc sọ được đem đi nơi khác, Anna lại không hề bắt gặp những giấc mơ kiểu này…

 

Sau cái chết của người cha vào đầu thập niên 60, Anna quyết định trao chiếc sọ cho nhà nghiên cứu nghệ thuật Frank Dordland. Khi xem xét tỉ mỉ từng chi tiết, ông này phát hiện thấy trong chiếc sọ có một hệ thống hoàn chỉnh các thấu kính, lăng kính và rãnh tạo nên những hiệu ứng quang học kỳ lạ. 
 

Dordland còn ngạc nhiên hơn khi nhận thấy, khối pha lê này được đánh bóng lý tưởng đến nỗi, kính hiển vi cũng không thể nhìn thấy những dấu vết của quá trình gia công. Cuối cùng ông quyết định tham vấn hãng Hewlett-Packard, nơi chuyên sản xuất các máy phát thạch anh và được đánh giá là có uy tín nhất trong lĩnh vực thẩm định thạch anh.

Kết quả thử nghiệm đã gây bất ngờ: chiếc sọ này xuất hiện từ rất lâu, trước thời kỳ xuất hiện của những nền văn minh đầu tiên tại khu vực này của châu Mỹ. Ngoài ra, loại thạch anh có chất lượng cao đến vậy cũng chưa hề thấy ở đây. Một phát hiện kỳ lạ khác là chiếc sọ được chế tạo từ một khối tinh thể hoàn chỉnh.
Một kỹ sư hàng đầu của công ty thử nghiệm cho biết, loại thạch anh tạo nên chiếc sọ pha lê có độ cứng tới 7 theo thang độ Moos - chỉ thua 3 loại đá là hoàng ngọc (topaz), cương ngọc (coridon) và kim cương. 
 

Ngoài kim cương ra, không vật liệu nào cắt được nó. Trong khi với cấu trúc tinh thể kiểu như trên, bất cứ một nỗ lực nào nhằm đẽo gọt loại vật liệu này cũng chỉ làm nó vỡ ra. Để có thể tạo ra chiếc sọ hoàn hảo nhường ấy, cần phải có những phương pháp phân tích chính xác nhất: việc cắt cần phải khớp hoàn toàn với trục của tinh thể. 

Các chuyên gia từ Hewlett-Parkard cuối cùng phải bối rối thốt lên: “Cái vật đáng nguyền rủa này đơn giản là không thể tồn tại. Người đã làm ra nó không có bất cứ một khái niệm nhỏ nhất nào về tinh thể học và quang học. Họ hoàn toàn phớt lờ các trục đối xứng và vật này chắc chắn phải vỡ ra ngay từ những bước chế tác đầu tiên. Vì sao điều này không xảy ra thì thật không thể tưởng tượng nổi”. Các chuyên gia công nghệ tại đây còn khẳng định, trên chiếc sọ không hề có bất cứ một dấu vết nhỏ nhất nào của thao tác cơ khí - thậm chí cả những vết trầy xước nhỏ do đánh bóng. Để đánh bóng vật liệu cứng như vậy theo độ hoàn hảo của chiếc sọ, cần phải mất hàng trăm năm…

 
 
Nhận định này được gián tiếp khẳng định từ một trong những phát hiện gần đây được tạp chí FATE công bố tháng 8/1996. Mùa đông năm 1994, một chủ trang trại gần Kreston (bang Colorado - Mỹ) trong khi cưỡi ngựa trong khu đất của mình, tình cờ nhận thấy một vật lấp lánh nằm dưới đất. Đó chính là một chiếc sọ người bằng kính hay pha lê trong suốt. Có điều là chiếc sọ này lại méo mó và vặn vẹo giống như thể trước khi đông cứng nó là một loại chất dẻo nào đó. Chiếc sọ này từ đâu ra và vì sao lại méo mó như vậy hiện vẫn còn là một bí ẩn.

Bị thu hút trước những phát hiện kỳ lạ này, các nhà sử học và dân tộc học bắt đầu lao vào một chiến dịch tìm kiếm, với hy vọng lần ra chút ánh sáng về những sọ người kỳ bí.
 
Chẳng bao lâu, những dấu vết đầu tiên đã được tìm thấy trong các truyền thuyết của người da đỏ cổ xưa. Theo đó, có tới 30 chiếc sọ pha lê của “Thần chết” và chúng được lưu giữ riêng biệt dưới sự canh gác chặt chẽ của các nhà tư tế và những chiến binh đặc biệt.

 

Nỗ lực tìm kiếm cũng cho ra những kết quả đầu tiên. Những chiếc sọ tương tự cũng được phát hiện tại kho của một số bảo tàng và trong các bộ sưu tập cá nhân. Chúng không chỉ được tìm thấy tại châu Mỹ (Mexico, Brazil, Mỹ) mà còn tại châu Âu (Pháp) và châu Á (Mông Cổ, Tây Tạng - Trung Quốc). Những hộp sọ kiểu này còn nhiều hơn cả con số 30 trong truyền thuyết, cho dù không phải tất cả đều hoàn thiện như hộp sọ Michell-Hedges. Phần lớn chúng đều có vẻ thô hơn nhiều. Dường như chúng đã được làm sau đó để “nhái” những chiếc sọ lý tưởng, vốn được coi là quà tặng của các vị thần cho loài người.



Một trong những nhà nghiên cứu về hộp sọ pha lê có uy tín nhất, Frank Joseph, bỗng nảy sinh một ý tưởng: liệu con người “nguyên mẫu” của hộp sọ “Michell-Hedges” có khuôn mặt như thế nào. Để trả lời câu hỏi này, người ta giao nhiệm vụ cho hai nhóm riêng biệt nhằm đảm bảo tính khách quan: phòng thí nghiệm của cảnh sát New York (nơi chuyên trách dựng lại khuôn mặt người theo các xương sọ) và một nhóm các chuyên gia ngoại cảm tiếp xúc với chiếc sọ trong trạng thái thôi miên. Kết quả là cả hai nhóm trên đều cho biết: “nguyên mẫu” của xương sọ Michell-Hedges là sọ của một cô gái trẻ. Bức chân dung của cả hai bên đưa ra rất giống nhau.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả những xương sọ kiểu trên đều có liên quan đến con người. Người ta còn bắt gặp những kiểu như “xương sọ Maya” và “xương sọ người ngoài hành tinh”, những loại ít có các đường nét của con người. 

Một số nhà khoa học cho rằng, người xưa dùng những hộp sọ bí ẩn này để chữa bệnh và thực hiện các liệu pháp tâm lý. Quan sát và phỏng vấn những người chứng kiến cho thấy, sọ pha lê quả thật đã tác động lên bất cứ ai đến gần, tuy ở mức khác nhau. Một số cảm thấy khó chịu và có nỗi sợ khó hiểu, số khác thì ngất xỉu và mất trí nhớ trong một thời gian dài... 

Nhưng có những đối tượng lại cảm thấy rất bình an, thậm chí sảng khoái. Một số người sau khi "giao tiếp" với chiếc sọ “Michell-Hedges” đã khỏi hẳn những căn bệnh nặng. Nữ chủ nhân của “xương sọ người hành tinh khác” là Joke fon Ditan thì cam đoan, khối u trong não của bà ta đã xẹp dần và biến mất nhờ chiếc sọ pha lê này. Còn Juan Parks, người được thừa kế sọ pha lê Marks từ một nhà sư Tây Tạng, cũng khẳng định chiếc sọ dùng để chữa bệnh rất tốt.

Các nhà ngoại cảm cùng một số người có khả năng nhạy cảm cao đều có chung một đánh giá: Những hộp sọ pha lê đã đưa họ vào những trạng thái gần như thôi miên, có kèm theo những mùi và âm thanh kỳ lạ, những ảo thị sáng chói. Đôi khi ở những thời điểm đặc biệt, họ còn nhìn thấy những ảo ảnh từ quá khứ xa xôi hay cũng có thể từ tương lai tới. 

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều ý kiến thiên về giả thuyết cho rằng, sọ pha lê là một loại máy thu phát đặc biệt, làm việc trong dải những năng lượng tâm lý và dạng ý nghĩ. Đối với loại máy này, không hề có rào cản về khoảng cách hay thời gian. Chúng rất có thể được dùng để liên lạc với những người hành tinh khác. 


 
Vấn đề bây giờ là liệu có thể đưa ra được một giả thuyết nào đó, giải thích tính chất kỳ lạ của những tinh thể nói chung và sọ pha lê nói riêng hay không?

Các tinh thể vốn có một tính chất chung khá kỳ diệu là có bộ nhớ riêng như các đối tượng sinh học sống. Điều này liên quan nhiều đến cấu trúc tinh thể chặt chẽ của chúng. Mỗi khoáng chất đều có một tấm lưới không gian riêng biệt, qua đó xác định những tính chất vật lý và đặc tính kỳ lạ của chúng. Đây chính là nơi ghi lại những sự kiện xảy ra trong quá trình hình thành và phát triển của tinh thể. 
 

Cho dù thế nào, tất cả những lý giải trên vẫn chỉ dừng ở mức độ giả thuyết, và những chiếc sọ pha lê vẫn luôn là một trong những phát hiện bí ẩn nhất của thế kỷ 20.