Đây là một xác ướp nổi tiếng, không chỉ bởi sự bảo quản tuyệt vời mà băng tuyết đã gìn giữ nó, mà còn bởi những bí ẩn xung quanh nó. Người ta vẫn quen gọi là “Lời nguyền của người băng Otzi”.
"Người băng Otzi" là tên gọi của một xác ướp tự nhiên bảo quản trong tuyết lạnh có niên đại cách đây 5300 năm. Xác ướp này được phát hiện năm 1991 tại núi Alps, gần Hauslabjoch, biên giới giữa Áo và Italy. Tên của xác ướp được đặt theo tên thung lũng nơi nó được tìm thấy. Đây là xác ướp của một người đàn ông. Nó là xác ướp cổ nhất được bảo quản tự nhiên ở châu Âu. Hiện xác ướp này vẫn được trưng bày tại một viện bảo tàng ở phía bắc nước Italy.
Đây là một xác ướp nổi tiếng. Không chỉ bởi sự bảo quản tuyệt vời mà băng tuyết đã gìn giữ nó, mà còn bởi những bí ẩn xung quanh nó. Người ta vẫn quen gọi là “Lời nguyền của người băng Otzi”.
Không như những xác ướp khác, xác ướp Otzi cho dù đã được các nhà khoa học làm hàng trăm nghiên cứu và khám nghiệm, vẫn ẩn chứa nhiều bí ẩn không bình thường.
Xác ướp này có niên đại khoảng 5300 năm, thế nhưng trên xác ướp người ta lại thấy một mũi tên có niên đại 7000 năm, một cái rìu thuộc về niên đại 2000 năm và một cái áo niên đại 8000 năm. Không bao giờ có chuyện ông ta sử dụng mũi tên và áo khoác từ cụ tổ mình nhưng lại cầm mũi tên của… con cháu mình.
Người ta bắt đầu đưa ra giả thuyết rằng đây có thể là một phù thủy, có khả năng đi xuyên thời gian (???), chính vì vậy mà ông ta đã có được những vật dụng của đủ các thời đại như vậy. Nhưng nhiều người cũng nói vui rằng nếu quả thực ông ta có khả năng đó thì lẽ ra người ta đã phải tìm thấy xác ướp của người băng với… một khẩu súng và chiếc áo jacket. (!)
Nguyên nhân về cái chết của người băng cũng bí ẩn. Ông ta bị giết? Gặp phải bão tuyết? Bị hiến tế? Không ai dám khẳng định chắc chắn.
Người băng được phát hiện bởi một đôi vợ chồng người Đức. Họ là Helmut và Erika Simon. Chính xác thì ông Helmut đã phát hiện ra xác ướp và gọi điện báo cho bác sĩ cũng như chính quyền sở tại. Ban đầu, người ta cứ nghĩ đây chỉ là một xác chết bình thường của ai đó. Họ không biết rằng nó có niên đại 5300 năm và cũng không biết rằng nó sẽ dẫn tới một loạt những tai họa sau đó.
Có rất nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng tất cả chỉ là trùng hợp, không có tai họa hay lời nguyền nào cả. Có người thì tin chắc việc phá vỡ giấc ngủ của người băng đã làm ông ta tức giận. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, 7 mạng người liên quan tới người băng Otzi đã mất.
Nạn nhân đầu tiên của lời nguyền chính là người đã tìm ra người băng - ông Helmut Simon. Người đàn ông này đã “làm tiền” trước tòa để được hưởng hơn 100 000 đô la tiền công tìm ra xác ướp. Hí hửng với số tiền thưởng, ông ta quay lại vùng núi tuyết cũ để ăn mừng. Thời tiết hôm đó rất đẹp nhưng bỗng nhiên một cơn bão tuyết xuất hiện đột ngột đã vùi chết Helmut ngay lập tức. Ông ta được tìm thấy trong tư thế co ro y như người băng.
Người tiếp theo gặp tai họa là giáo sư Rainer Henn, 64 tuổi, dẫn đầu đội nghiên cứu xác ướp, người đã tham gia quá trình khám nghiệm người băng. Một lần, khi đang trên đường đến một buổi hội thảo (có chủ đề là người băng Otzi), xe của Henn đâm sầm vào một chiếc xe khác khiến ông chết ngay lập tức. Các cơ quan an ninh không tìm được nguyên nhân của vụ tai nạn.
Nạn nhân thứ 3 là người dẫn đường Kurt Fritz, người đã đưa giáo sư Henn cũng như nhiều người khác tham quan khác vị trí tìm ra người băng. Kurt là một nhà leo núi kinh nghiệm, ông ta thuộc địa bàn như lòng bàn tay. Tuy nhiên, trong một buổi leo núi, ông ta và những người trong đoàn gặp phải một cơn tuyết lở lớn. Những hòn đã lăn xuống đã đè chết Kurt. Điều kỳ lạ là những người khác trong đoàn cũng đi cùng nhưng không ai bị sao, tất cả đều thoát được.
Nhà làm phim Rainer Hoelzl – người đã đưa những tư liệu về người băng lên màn ảnh và công bố chúng ra khắp thế giới là nạn nhân thứ 4. Rainer chết vì một căn bệnh lạ. Nhưng cũng có người nói rằng đó là ung thư não. Chỉ có điều chắc chắn là theo lời kể của vợ Rainer, ông ta đã đau đớn quằn quại trong nhiều tháng sau khi bộ phim tư liệu của mình được công chiếu rồi mới chết.
Chuỗi tai họa vẫn tiếp tục. Dieter Warnecke, 45 tuổi, người đã có “công” dẫn đội tìm kiếm tìm ra chỗ Helmut Simon bị chôn vùi, là nạn nhân thứ 5. Có lẽ người băng không muốn cho kẻ đã phá vỡ giấc ngủ của mình được ra đi nhẹ nhàng như vậy. Tuy nhiên, Dieter đã tìm ra xác Simon và đưa ông ta về an táng. Chỉ vài giờ sau lễ an táng của Simon, Dieter chết do đau tim, dù cho thể trạng sức khỏe của ông ta rất tốt.
Konrad Spindler, 66 tuổi, là một nhà khoa học khác nữa, đứng đầu một nhóm nghiên cứu, thực hiện các khám nghiệm trên xác ướp người băng năm 1991. Theo các tờ báo đăng tin, Konrad chết do biến chứng. Nguyên nhân cụ thể không được tìm thấy.
Cái chết của những người liên quan tới người băng Otzi đã gieo rắc kinh hoàng lên dư luận. Thế nhưng sự trừng phạt chưa dừng lại ở đó. Tom Loy, 63 tuổi, một nhà khảo cổ học, người đã phân tích những mẫu máu trên vũ khí và quần áo của người băng rồi sau đó bổ sung vào những tư liệu của mình chính là nạn nhân thứ 7.
Theo gia đình Tom Loy thì ông mắc phải một căn bệnh về máu. Máu của ông cứ dần dần đông lại thành từng cục, từng tảng trong người. Bệnh của ông được phát hiện trong lúc ông đang thực hiện những nghiên cứu về người băng.
Từ sau 7 cái chết bí ẩn, không ai còn dám cợt nhả hay ăn nói bỡn cợt về người băng nữa, đặc biệt là những người từng dính líu tới các nghiên cứu, khám nghiệm, tìm kiếm… Ai cũng sợ rằng mình là nạn nhân tiếp theo. Tại nhiều địa điểm trưng bày người băng, người ta ghi nhận có những khách tham quan cứ nhìn vào người băng là ngất. Không phải do phòng trưng bày thiếu khí, có một nguyên nhân bí ẩn nào đó.
Đến tận bây giờ, vẫn không ai lý giải nổi các câu hỏi về thân thế, cuộc đời của người băng. Và "lời nguyền" dẫn tới 7 cái chết kia có thật hay không, cũng không ai biết đích xác.