SlideShow

0

Lời Nguyền Cầu Đa Cô



     Một nữ sinh trẻ xinh đẹp, nặng lòng yêu đương bị người yêu ruồng bỏ sau khi “ăn trái cấm”. Cô tìm ra cây cầu gieo mình xuống dòng nước với cái thai trong bụng. Người đời đồn rằng cô gái ấy đã để lại lời nguyền độc ác đầy ứng nghiệm cho cây cầu…
    

Bây giờ, nơi cây cầu cô sinh viên đó nhảy xuống đã có tên cầu hẳn hoi, mà cái tên cũng rất thảm thương như dấu ấn bi thương để “tưởng niệm” các cô gái chết trẻ vì tình - cầu Đa Cô. Người ta kể rằng, vì cây cầu là nơi nhiều cô con gái ở tuổi “ô mai” tìm đến nhảy sông tự vẫn vì tình nên dân gian đặt tên cho cầu là Đa Cô.

Về mặt thông số vật lý, cầu Đa Cô có chiều rộng 9m, dài 33m, nằm trên QL 1A chạy qua quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, là cung đường rất rộng, đẹp, thoáng đạt và tiện lợi để tham gia giao thông. Nhưng cây cầu lại thường xuyên có người nhảy cầu tự tử và là điểm đen tai nạn giao thông!

Theo thống kê của chính quyền địa phương, có gần 20 cô gái chết ở đây bằng cách nhảy cầu. Nhưng trong thời gian 5 năm trở lại đây, đã có 7 người tự tử rơi vào trường hợp các cô gái tuổi còn rất trẻ, gặp rắc rối trong chuyện tình cảm, đã chọn nơi đây để gieo mình.

 

Những cô gái sống sót kể lại rằng, phần vì họ bị ám ảnh rất nhiều khi nghe người ta kể và cảnh báo về oan hồn chết vì tình trên cây cầu trên. Chính họ bảo, nhiều khi đau đầu quá, cũng là lúc bắt gặp oan hồn đó về mời gọi, thậm chí “cưỡng bức” đến cầu để giải thoát những đau khổ về tình yêu (!?).

“Nó” còn bắt mọi người phải “sống tốt” với ma quỷ nếu không muốn bị hành hạ, đày đọa. Chính vì thế mà những am miếu thờ hai bên cầu lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Người ta còn đồn rằng cô sinh viên kể trên rất hay hiện về dưới muôn hình vạn trạng. Người đang đi xe mà thấy cô thì không đủ khả năng làm chủ tốc độ. Lời đồn thổi khiến ai đi qua cầu cũng cố phóng xe thật nhanh, khiến tai nạn thường xuyên xảy ra, mà số nạn nhân nữ chiếm tới hơn 80%.
Chúng tôi đã tìm tung tích cô gái để lại lời nguyền độc đó qua hai người. Người thứ nhất là cô Đặng Lan, giáo viên bộ môn văn từng có quan hệ thân thiết với cô gái. Ngày đó cô đã hướng dẫn cô bé làm đề tài nghiên cứu về văn học dân gian, nên hiểu tâm tư tình cảm và tính khí cô bé dễ thương đó. Người thứ hai, là thày giáo Nguyễn Khắc Sinh, giảng viên dạy văn trường ĐHSP Đà Nẵng, nơi cô gái đã học hai năm.

"…21 năm về trước, lúc đó, trường ĐHSP Đà Nẵng mới là Cao đẳng sư phạm, thành phố còn xơ xác và tiêu điều lắm. Trường CĐSP Đà Nẵng cũng hoang vu nhưng đã thu hút rất nhiều sinh viên. Trong khoá 9 của trường, Khoa sư phạm văn là có nhiều nổi trội hơn cả, vừa là khoa đắt giá nhất của trường… Nhưng cái mà cánh thanh niên trai tráng chú tâm nhất là các nữ sinh tươi tắn, xinh đẹp.


Trong lớp K9 ấy có cô bé tên Nhi: Hoàng Thị Nhi, quê ở Hoà Vang. Nhi có nước da trắng ngần như trứng gà bóc, tóc mượt và dài tận gót chân, mặt trái xoan xinh xắn như hoa nên được các chàng trai nâng niu như nâng trứng. Cô bé học rất giỏi, chăm chỉ, bạn bè và thầy cô trong trường ai cũng quý mến. Năm thứ ba cô đã phải lòng một chàng sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, họ quấn quýt bên nhau như đôi uyên ương. Cứ như thế, cái gì đến đã đến, Nhi có bầu đến tháng thứ 4 họ mới biết. Chàng trai biết tin, anh ta hứa với cô là về quê xin cha mẹ cho cưới, nhưng rồi không hiểu vì sao không thấy quay lại… ". Cô Đặng Lan nhớ lại.

Còn thày Nguyễn Khắc Sinh kể : "Vào một đêm trăng, thày còn nhớ rất rõ, lúc đó thày cũng đang ở nội trú để tiện công tác. Đêm đó vào độ giữa tháng tư, trăng vằng vặc sáng lạ thường, nửa đêm, trong phòng vừa tắt đèn đi ngủ, có người vẫn chưa kịp chợp mắt thì Nhi mở cửa phòng đi ra ngoài, có người để ý cô vẫn mặc đồ ngủ nên không đoán là cô đi đâu xa. 
Chỉ đến khi đợi mai không thấy Nhi đâu, mới tá hoả đi tìm, thì không thấy đâu. Còn Nhi khi ấy bước bần thần ra đến cây cầu hoang cách trường gần một cây số nằm ở phía nam trường học của mình. Bất giác, mấy người đi chợ đêm thấy cô đứng trên đó khóc, rồi gọi mẹ, gọi cha, gọi tên chàng người yêu và oán rằng sẽ chết. Mấy người đi chợ vội la lối... Cô hét lên:

- Các ông bà đừng lại đây, nếu không tôi chết các ông bà cũng không yên.
- Đừng cháu ơi, cháu con trẻ…
- Không! Đừng lại đây, tôi chết cho thằng đó phải chết!
- … !?
- Những ai yêu như tôi sẽ phải chết như tôi, tại cây cầu này...n…a…y…

Còn lại chỉ là âm thanh hãi hùng của cô gái trên mặt sông, và tiếng la của những người chứng kiến, cả cái vùng ngoại ô hồi đó buồn tẻ của cái thành phố này bừng tỉnh dậy sớm so với lệ thường để chuẩn bị cho công tác từ thiện là vớt xác cô lên để lo hậu sự. Những người đi chợ đêm đã khai báo với cơ quan công an rằng họ không kịp cứu cô gái. Và nhân chứng, vật chứng của vụ nhảy cầu chỉ là đoạn đối thoại ngắn nêu trên đang được lưu trong kho tài liệu mà thôi".

Dừng một lát, thày Sinh kể tiếp: Công việc vớt xác Nhi còn khó hiểu hơn rất nhiều. Dòng sông ngày xưa tuy còn sâu hơn hai mét nước, chảy xiết chứ không bị rác vùi thành sông lấp như bây giờ, nhưng cũng không là nơi khó hiểu với con người bản địa. Vậy mà hai ngày hai đêm người thân và những người giúp việc lặn hụp vẫn không vớt được xác của Nhi. Cho đến khi phải đem rào gai buộc mấy tạ đá chim xuống để lôi cả tấn rác lên mới kéo được xác Nhi lên. Người ta nói xác cô bị chìm xuống lớp bùn rác tới mấy chục xăng-ti-mét, một điều kinh ngạc, lạ thường, để rồi chi tiết đó đến nay sau bao nhiêu cái chết tương tự kinh hãi như thế lại được hư cấu thêm trở thành chuyện ma quái đản!