SlideShow

0

Lời Nguyền Bruno Amadio hay Lời Nguyền "Crying Boy" hay Lời Nguyền Bức Tranh "Cậu Bé Khóc"

Thảm kịch và bất hạnh vẫn tiếp tục bao quanh một bức chân dung kỳ lạ xuất hiện trên khắp nước Anh và trên thế giới trong hơn 20 năm qua.

Bức tranh do họa sĩ Tây Ban Nha Bruno Amadio vẽ được sản xuất hàng loạt và biết đến với cái tên "Cậu bé khóc". Nó trở nên rất phổ biến và được nhiều người mua ở Anh trong những năm 80.



Với người xem tranh, đây là một bức tranh khá bình thường, dù có gì đó phảng phất buồn và u ám. Tuy nhiên những người sở hữu bản copy của nó cho biết khi nhìn vào khuôn mặt của Cậu bé khóc, họ luôn có cảm giác sợ hãi và đau ốm.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1985 khi các tờ báo ở Anh đưa tin về hàng loạt các vụ cháy nhà bí ẩn. Điều mà những người lính cứu hỏa thấy lạ lùng và không thể giải thích nổi là trong tất cả các vụ cháy, mọi thứ trong nhà đều cháy rụi, chỉ có duy nhất bức tranh Cậu bé khóc vẫn không hề bị sứt mẻ tẹo nào.




Phiên Bản Khác được cho là tác phẩm "Cậu Bé Khóc"

Rất nhiều người đã gọi cho các tờ báo để khẳng định rằng hỏa hoạn xảy ra sau khi họ mua Cậu bé khóc về.

Sự thật về nguồn gốc của bức tranh vẫn còn là điều bí ẩn. Một số nguồn tin cho hay người họa sĩ đã ngược đãi cậu bé trong bức tranh - một em bé mồ côi.

Một số người khác lại nói rằng cha mẹ cậu bé chết trong một trận hỏa hoạn. Cậu bé trở thành kẻ mồ côi và giờ muốn gây ra các vụ hỏa hoạn để trả thù những người khác đã khiến cậu trở thành trẻ mồ côi.

Một số nhà tâm linh học lại lý giải rằng linh hồn của cậu bé bị mắc kẹt bên trong bức tranh, chính vì thế mà nó phải phóng hỏa để được tự do. Nhiều người lại nói rằng họa sĩ đã ký “hợp đồng tội lỗi” với Quỷ Xa tăng nhằm giúp bán các bức tranh của ông.

Các tờ báo vẫn tiếp tục đưa tin về câu chuyện ma quái này khiến cho dư luận tỏ ra vô cùng sợ hãi. Tháng 10/1985, người ta thông báo tổ chức đốt tất cả các bức tranh Cậu bé khóc. Đến cuối tháng 10, đã có hàng nghìn bức tranh bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Cục cứu hỏa.



Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở đây. Rất nhiều người vẫn sở hữu Cậu bé khóc và đôi khi người ta vẫn thấy xuất hiện tin tức về các vụ cháy.

Các phương tiện truyền thông cố gắng trấn tĩnh người dân và giải thích rằng thỉnh thoảng bức tranh mới thoát khỏi hỏa hoạn. Một người phụ nữ cho biết cô đã cố đốt bức tranh của mình nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.




Một phiên bản khác nữa của tác phẩm "Cậu Bé Khóc"

Có một số quan điểm lại cho rằng bức tranh chẳng hề đem điềm gở tẹo nào. Nó đem lại may mắn cho người xứng đáng. Một người đàn ông kể rằng ông bất ngờ thắng bạc sau khi phục chế được bức tranh đang xuống cấp.

Thậm chí kể cả khi bức tranh được xem là vật đem lại may mắn cho một số người. Hầu hết chủ nhân của Cậu bé khóc đều đổ cho bức tranh gây ra ốm đau và rủi ro.

Nhiều bản copy của Cậu bé khóc đã xuất hiện bên ngoài nước Anh và người ta không rõ có bao nhiêu người vẫn đang sở hữu bức tranh và những tai họa mà nó gây ra.